Khi các thuốc “đánh nhau”
Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời hai hay nhiều thuốc, thuốc này làm thay đổi tác dụng hay tăng độc tính của thuốc kia dẫn đến hậu quả có lợi hoặc bất lợi với cơ thể người dùng thuốc.
Thận trọng với tương tác thuốcMục đích của thầy thuốc khi chỉ định phối hợp nhiều loại thuốc là nhằm khai thác tương tác thuốc có lợi, tức là làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ của thuốc. Nhưng nhiều khi phối hợp nhiều loại thuốc sẽ gây ra tình trạng thuốc này làm mất tác dụng của thuốc kia và làm tăng độc tính của thuốc.
Khi vào cơ thể, đầu tiên thuốc phải được hấp thu vào máu. Sau đó, thuốc từ máu được phân bố khắp nơi để có tác dụng khắp cơ thể. Song song với việc phân bố và cho tác dụng, thuốc được gan chuyển hóa. Sau cùng, thuốc sẽ được thận đào thải ra khỏi cơ thể. Trong bốn giai đoạn vừa kể: hấp thu, phân bố, chuyển hóa, bài tiết, nếu hai thuốc uống cùng lúc “đánh nhau” ở từng giai đoạn, có thể gây ra tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.
Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi tác dụng hay tăng độc tính của thuốc. Ảnh: TL |
Nếu hai thuốc dùng chung bằng đường uống, thuốc này cản trở sự hấp thu của thuốc kia, làm lượng thuốc hấp thu bị giảm trầm trọng, không cho tác dụng điều trị hiệu quả. Đó là trường hợp thuốc kháng axit chữa loét dạ dày chứa Al, Mg (Maalox, Kremil-s...), hoặc thuốc chứa than hoạt, kaolin trị tiêu chảy cản trở thuốc uống cùng với nó trị tăng huyết áp, đái tháo đường... làm thuốc sau mất tác dụng (phải uống hai thuốc cách xa nhau ít nhất hai giờ).
Hoặc khi phân bố trong máu, hai thuốc dùng chung cùng liên kết với albumin có trong máu, thuốc có ái lực liên kết lớn hơn sẽ đẩy thuốc kia ra thành dạng tự do, làm tăng nồng độ gây độc tính. Đó là trường hợp dùng chung thuốc kháng viêm phenylbutazon với warfarin sẽ làm tăng tác dụng chống đông của warfarin, gây xuất huyết nguy hiểm.
Các thuốc đều được chuyển hóa ở gan, khi dùng hai thuốc cùng lúc, thuốc này làm tăng hoặc giảm hoạt tính của men gan chuyển hóa, đồng thời làm giảm hoặc tăng hoạt tính trị liệu của thuốc kia, gây hậu quả xấu. Như kháng sinh erythromycin cản trở sự chuyển hóa thuốc giãn phế quản trị suyễn theophyllin, làm tăng độc tính của thuốc này.
Hầu hết các thuốc được chuyển hóa qua thận, vì vậy tương tác thuốc khi xảy ra ở đây sẽ làm thuốc tích lũy lại trong cơ thể gây hại. Như kháng sinh thuộc nhóm aminosid dùng chung với thuốc trợ tim digoxin, digoxin không được bài tiết tốt sẽ tích lũy gây độc.
Còn phải kể loại tương tác thuốc gọi là tương tác thuốc dược lực học. Đó là tương tác xảy ra giữa hai thuốc làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc kia (do tác dụng của hai loại thuốc đối kháng với nhau). Như cafein (có trong dược phẩm trị cảm) gây kích thích làm giảm tác dụng an thần của diazepam. Hoặc không nên phối hợp dùng chung kháng sinh penicillin và kháng sinh tetracyclin vì có sự đối kháng trong tác dụng diệt vi khuẩn.
Lưu ý khi dùngMột số người được gọi là đối tượng có nguy cơ dễ bị tương tác thuốc. Đó là người phải dùng nhiều thuốc vì nhiều bệnh, người cao tuổi, người hay đi khám nhiều bác sĩ (liên tục đổi thầy, đổi thuốc), người bị bệnh kinh niên như viêm loét dạ dày - tá tràng, tim mạch (nhất là bị tăng mỡ trong máu hay dùng thuốc chống đông), động kinh, hô hấp (hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Các đối tượng này cần lưu ý khi dùng nhiều loại thuốc:
- Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc (loại bán không cần đơn) tại nhà thuốc phải nói rõ cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết mình đang dùng thuốc gì.
- Khi đang dùng thuốc chữa bệnh, không được dùng thêm bất cứ thuốc gì khác, kể cả thuốc y học cổ truyền hay các loại thực phẩm chức năng mà không hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị.
- Khi đang dùng đơn thuốc ghi nhiều thuốc, nếu có phản ứng bất thường xảy ra nên đi tái khám ngay và kể rõ cho bác sĩ biết sự bất thường đó.
Dược sĩ Ngô Mạnh Hùng