Yb
Đang truy cập : 10
Hôm nay : 378
Tháng hiện tại : 18008
Tổng lượt truy cập : 5308974
Tăng huyết áp
Giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây căng thẳng vào ban đêm và căng thẳng này cũng gây hại như bất kỳ căng thẳng khác xảy ra trong ngày. Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp.
Nghiên cứu cho thấy kích thích tố căng thẳng có xu hướng gia tăng ở những người bị thiếu ngủ, tiến sĩ Shives nói. Tăng nội tiết tố này có thể dẫn đến sự gia tăng tạm thời huyết áp, và sau đó sẽ trở thành vĩnh viễn sau một khoảng thời gian.
Tiến sĩ Shives cảnh báo rằng, nằm trên giường chờ đợi để đi vào giấc ngủ có thể dẫn đến lo lắng và càng gây khó khăn hơn cho giấc ngủ. Khi không ngủ được, hãy ra khỏi giường dù cảm thấy mệt mỏi. Có thể tham gia vào các hoạt động bình tĩnh và yên tĩnh, chẳng hạn như đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ; tránh truyền hình và đèn sáng. Nếu vẫn không thể ngủ, ra khỏi giường và tiếp tục hoạt động yên tĩnh cho đến khi thật sự buồn ngủ.
Đe dọa hôn nhân
Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên năm 2009 của Hội ngủ Liên đới (APSS) ở Massachusetts (Mỹ) cho thấy phụ nữ có chồng ngủ tốt hơn so với phụ nữ độc thân, và những ai có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc có thể tránh được nguy cơ các vấn đề giấc ngủ.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy việc chia sẻ giường với một đối tác bị chứng ngáy ngủ có thể gây bất lợi cho hôn nhân. Bên cạnh cáu kỉnh, thiếu ngủ do tác động của việc ngáy ngủ có thể gây trầm cảm, lo âu, và cả những xung đột trong hôn nhân, tiến sĩ Shives cảnh báo.
Để cuộc sống hôn nhân mặn nồng, hãy kiểm tra chứng ngáy ngủ. Ngáy ngủ là một triệu chứng của hiện tượng ngưng thở khi ngủ, gây rối loạn giấc ngủ không chỉ cho bản thân mà còn cho cả người nằm bên cạnh.
Trầm cảm
Một đêm mất ngủ khiến tâm trạng cáu kỉnh vào sáng hôm sau, và thiếu ngủ kinh niên cuối cùng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh trầm cảm.
Hình ảnh chụp não cho thấy thiếu ngủ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não, kết luận từ nghiên cứu được trình bày ngày 12.6.2012 tại APSS ở Boston, Mỹ.
Tác giả nghiên cứu Andrea Goldstein tại Đại học California, tuyên bố chỉ cần một đêm mất ngủ sẽ làm thay đổi đáng kể chức năng hoạt động tối ưu của não, đặc biệt là ở những người hay lo âu. Để củng cố thêm tuyên bố của Andrea, tiến sĩ Shives cho biết những người không ngủ từ 7-8 tiếng/ngày, thậm chí không có tiền sử trầm cảm, vẫn có nhiều khả năng mắc chứng bệnh này nếu giấc ngủ bị tước đoạt.
Để có giấc ngủ ngon, cần tắt ánh sáng từ các thiết bị điện tử bao gồm máy vi tính, điện thoại, ti vi và nhắm mắt lại. Tránh các tiện ích trên từ 1-2 giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp xoa dịu bớt căng thẳng của tâm trí, và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Mất tập trung
Nếu giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn, bộ não dành rất ít thời gian cho trạng thái REM (giai đoạn ngủ sâu và mơ) - rất cần thiết. Kết quả, con người sẽ cảm thấy chậm chạp và gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ mọi thứ. Theo tiến sĩ Shives, những người có được giấc ngủ REM thường có cảm giác tốt hơn về nhận thức và cảm nhận tốt hơn về hạnh phúc, từ đó tâm trạng cũng được cải thiện đáng kể.
Ăn cá nhiều hơn là một trong những cách giúp ngủ ngon. Theo tạp chí Men’s Health, các axit béo omega-3 có trong cá hồi, cá thu có tác dụng giúp tăng cường trí nhớ và tăng nồng độ serotonin - một hormone chịu trách nhiệm về hạnh phúc.
Đe dọa công việc
Thiếu ngủ có thể làm giảm hiệu suất công việc. Cũng theo nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên APSS năm 2009, một giấc ngủ trưa ngắn có thể thúc đẩy tâm trạng và hiệu suất công việc. Một giấc ngủ trưa hợp lý là khoảng từ 20-30 phút sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ, lấy lại tinh thần sảng khoái, hồi phục năng lượng nhanh và có thể giúp tỉnh táo để bắt tay vào công việc ngay. Theo các nhà khoa học, ngủ trưa khoảng 26 phút có tác dụng cải thiện hiệu suất làm việc lên 34%, song không nên kéo dài quá 40 phút để tránh lâm vào trạng thái mệt mỏi.
Nguy cơ tăng cân và ung thư
Thiếu ngủ làm tăng lượng đường trong máu, làm chậm quá trình trao đổi chất, gia tăng nguy cơ bệnh béo phì. Theo các chuyên gia sức khỏe, giấc ngủ thiếu hụt là tác nhân dẫn đến việc lựa chọn thực phẩm không lành mạnh bởi tầm nhìn về thực phẩm bị che mờ trong vùng trung tâm của não ở những người có giấc ngủ thiếu hụt.
Giấc ngủ bị hạn chế, con người có xu hướng tìm những thực phẩm kém chất lượng và tiêu thụ những loại thực phẩm này. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ăn nhiều chất béo thường có giấc ngủ kém hơn so với những người ăn vừa phải chất béo.
Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2008 được thực hiện ở Anh cho thấy, phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng đồng hồ/đêm có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú, và một nghiên cứu tại Trường Y Harvard (Mỹ) cho kết quả, những ai ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm có nguy cơ phát triển khối u đại trực tràng dẫn đến ung thư ruột kết. Lý do, hormone melatonin được sản xuất ra trong khi ngủ có thể chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u và khi thiếu ngủ, hormone này bị hạn chế rất nhiều.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn